Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Bộ phim khai sinh một huyền thoại


Chuyến hồi hương định mệnh

Từ Hong Kong sang Mỹ lập nghiệp từ năm 19 tuổi, Lý Tiểu Long sớm nổi tiếng với tư cách là một bậc thầy về võ thuật khi mở võ đường dạy cho cả người da trắng. Năm 1966, anh được mời đóng vai hiệp sĩ Kato trong loạt phim truyền hình Mỹ The Green Hornet (Thanh Phong Hiệp) của Đài ABC, và rất được khán giả yêu thích. Đến ngày 14/7/1967, loạt phim này bất ngờ chấm dứt ở tập 26 - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dở dang, là nhân vật phụ Kato do Lý đóng, lại được yêu thích và nổi tiếng hơn cả nhân vật chính Thanh Phong Hiệp - điều mà những ông chủ da trắng khó có thể chấp nhận!

Năm 1971 khi 31 tuổi, Lý Tiểu Long quay trở về Hong Kong để thu xếp cho mẹ sang Mỹ. Tại đây anh rất bất ngờ khi được khán giả quê nhà đón chào nồng nhiệt, bởi lúc ấy The Green Hornet đang là phim truyền hình ăn khách nhất ở Hong Kong. Ông Trâu Văn Hoài, người đứng đầu của Gia Hòa - một hãng phim vừa mới thành lập (1970), linh cảm Lý sẽ mang đến một điều gì đó lớn lao cho Hãng Gia Hòa, nên chộp ngay lấy cơ hội đó và ký hợp đồng mời anh tham gia một trong những bộ phim võ thuật đầu tiên của hãng, Đường sơn đại huynh. Lý Tiểu Long nhận lời và được cấp một căn hộ với đầy đủ nội thất ở đường số 2 Man Wan - khu Cửu Long.


Từ vai phụ trở thành vai chính

Đường sơn đại huynh được dựa theo câu chuyện có thật về Trương Triều An, người đã đứng lên chống lại các bạo chúa ở Thái Lan cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Cách đây hơn 80 năm, một tượng đài tưởng niệm ông đã được dựng trong một khu vườn ở Bangkok. Để bộ phim mang tính hương xa, Hãng Gia Hòa bỏ ra 400.000 đô-la Hong Kong, đưa đoàn phim sang tận Thái Lan để quay ở đúng nơi câu chuyện diễn ra.

Đạo diễn ban đầu là Ng Gar Seung, diễn viên chính thủ vai Trương Triều An là Điền Chân, còn Lý chỉ đóng vai thứ. Bộ phim khởi quay tháng 7/1971 tại một vùng thị trấn nhỏ hẻo lánh tại Thái Lan. Nhưng khi quá trình sản xuất bộ phim đã trôi qua vài tuần, thì xảy ra những bất ổn trong nội bộ đoàn phim. Nhà sản xuất Trâu Văn Hoài tức tốc bay sang Thái Lan để giải quyết.

Đạo diễn Ng Gar Seung phàn nàn với ông chủ Hãng Gia Hòa rằng Lý Tiểu Long chẳng biết làm gì ngoài việc chỉ đá liên tiếp 3 cước rồi thôi. Còn Lý thì nói rằng đạo diễn này không biết làm phim võ thuật, nên những cú máy chậm chạp của ông ta đã làm giảm sự dữ dội của các cú ra đòn. Ông Trâu Văn Hoài xem lại các thước phim nháp và đồng ý với nhận xét của Lý Tiểu Long, đồng thời ông lại rất ấn tượng trước những cú ra đòn không màu mè nhưng đầy uy lực của Lý, đặc biệt là những cú đá liên tiếp 3 cước chưa từng thấy ở Hong Kong trước đó.

Trâu Văn Hoài đi đến một quyết định - mà sau này được xem là bước ngoặt định mệnh của Hãng Gia Hòa và điện ảnh Hong Kong - đổi đạo diễn, thay vào đó là La Duy, một đạo diễn chỉ mới làm 1 phim võ hiệp đầu tay. Nhưng quyết định quan trọng nhất là chuyển Lý Tiểu Long từ vai thứ lên đóng vai chính Trương Triều An với thù lao 15.000 đô-la Hong Kong.

Kịch bản được chính Lý Tiểu Long và đạo diễn La Duy sửa lại hoàn toàn cho phù hợp với những thay đổi. Điều này có thể cũng là một phần lý do vì sao Lý Tiểu Long không giao đấu cho tới giữa phim. Trong Đường sơn đại huynh , Trương Triều An là một thanh niên nhà quê lên thành phố tìm việc làm. Tại một xưởng sản xuất nước đá, anh và các công nhân đã phát hiện ông chủ buôn lậu và vận chuyển ma túy. Sau khi biết An là người giỏi võ, ông chủ dùng tiền bạc và đàn bà để mua chuộc hòng biến anh thành tay sai cho hắn. Nhưng An đã vượt qua mọi cám dỗ và triệt phá được băng đảng này.

Đường Sơn Đại Huynh đến giờ vẫn là một tác phẩm võ thuật kinh điển, có tác động to lớn với điện ảnh Hồng Kông và cả thế giới võ thuật. Diễn xuất của Lý Tiểu Long đã mang khán giả theo mình trên “một con tàu lượn cao tốc đầy cảm xúc!”.

Những đột phá mới lạ của Lý Tam Cước

Chỉ đạo võ thuật Hàn Anh Kiệt (thủ vai ông chủ trong phim), là đạo diễn hầu hết các pha hành động của Đường sơn đại huynh . Ông sử dụng phong cách hành động phổ biến trong những năm 1970, chủ yếu là cánh tay đưa qua đưa lại, đôi chân lượn sóng, và lối quay phim cố định mang đậm tính sân khấu. Hầu hết các chuyên gia chỉ đạo hành động ở Hong Kong lúc ấy đều sử dụng phong cách này. Vì thế Lý Tiểu Long luôn xung khắc với Hàn Anh Kiệt, đến mức anh đề nghị với đạo diễn La Duy cho phép anh tự chỉ đạo các pha hành động của mình.

Lý bổ sung các ý tưởng mà sau đó đã trở thành chính thống sau bộ phim này. Thứ nhất, tính hiện thực đã được đưa vào để khi anh đánh trúng đối thủ, hắn phải thể hiện sự đau đớn thật sự, ngoại trừ những kẻ phản diện có thể đánh hạ được anh hùng này. Thứ hai, anh ý thức được cách di chuyển của máy quay, chỗ nào là những điểm sẽ cắt dựng, cách nào làm cho việc biên đạo trở nên linh động hơn. Điều này làm cho các trận đánh của Lý Tiểu Long có nhịp độ tuyệt vời, tạo nên sự dữ dội và làm cho nó trở nên hấp dẫn.

Cuối cùng, anh có thể sử dụng trọn vẹn bối cảnh, chứ không chỉ hai người đứng trong bối cảnh đó giao đấu. Điều này được thể hiện qua việc chú ý tới từng chi tiết trong cuộc chạm trán, và cách mà mọi người bao vây nhân vật chính, hay sử dụng vũ khí trong kho chứa nước đá. Nói cách khác, từ thời điểm này trở đi, các chuyên gia chỉ đạo hành động khét tiếng ở Hong Kong sau này như Viên Hòa Bình, Hồng Kim Bảo và Thành Long… luôn suy nghĩ trong không gian 3 chiều, hơn hẳn điện ảnh Hollywood, nơi các chỉ đạo hành động suy nghĩ trong 2 chiều, nghĩa là cho hai người nện nhau một cách chậm rãi và bài bản, chứ không chú ý tới từng chi tiết khắp khu vực mà họ đang giao đấu.

Phần kết của Đường sơn đại huynh được đánh giá là khác thường, với cảnh người anh hùng bị cảnh sát xích tay đưa đi - một phần cũng vì những luật lệ cứng rắn của việc làm phim tiếng Phổ thông lúc đó. Nhiều khán giả trong đêm ra mắt bộ phim tại Hong Kong đã chết lặng trong giây lát, và có lẽ họ rơi vào tình trạng sốc sau khi bộ phim kết thúc. Nhưng cái kết ấy lại được các nhà phê bình đánh giá rất cao. Sự khen ngợi ấy phải được dành cho nhà sản xuất Trâu Văn Hoài và đội ngũ của ông, vì đã dũng cảm đưa ra một đoạn kết táo bạo không theo quy ước của một bộ phim võ thuật thời đó, là người hùng lúc nào cũng phải ca khúc khải hoàn!

Trở thành huyền thoại từ vai chính đầu tiên

Hong Kong lúc ấy đã là một cường quốc thế giới về phim võ thuật, nhưng chính họ cũng kinh ngạc trước những gì được thấy trong Đường sơn đại huynh. Những cảnh đấm đá thật sự bằng hàng loạt những động tác liên hoàn mạnh mẽ dứt khoát, kèm theo những tiếng thét áp đảo đối thủ của một thần tượng võ thuật mới. Đặc biệt lần đầu tiên khán giả được chứng kiến thật sự trên màn ảnh những cú “tam cước” trứ danh của Lý Tiểu Long . Cũng từ Đường sơn đại huynh , các fan yêu mến đã đặt cho anh biệt hiệu Lý Tam Cước (đây là bộ phim duy nhất Lý không sử dụng côn nhị khúc, cho tới khi Tinh Võ Môn (1972) ra đời)!

Đường sơn đại huynh phá kỷ lục doanh thu tại Hong Kong với 3,2 triệu đô-la Hong Kong chỉ trong ba tuần đầu tiên, nhanh chóng trở thành bộ phim đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Hong Kong, đánh bại hai xuất phẩm Mỹ: The Sound Of Music (1965) và Tora! Tora! Tora! (1970). Rồi sau đó Đường sơn đại huynh thổi bùng một “cơn bão vé” khắp châu Á. Chỉ sau một đêm, Lý Tiểu Long đã trở thành ngôi sao điện ảnh giá trị nhất của điện ảnh Hong Kong.

BÁ VŨ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần